Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quá trình phát triển

Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban nghiên cứu Kế hoặch kiến thiết - tiền thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây (Bộ kế hoạch và Đầu tư ngày nay).

Tổ chức cơ quan Kế hoạch đầu tiên của Tỉnh Cao Bằng là Ban Thống kê - Kế hoạch được chính thức thành lập vào tháng 3 năm 1956. Cuối năm 1957 bộ phận Thống kê tách khỏi Ban Thống kê - Kế hoạch và từ đó là Ủy Ban Kế hoạch tỉnh. Ngày 29/12/1995 Thủ Tướng Chính phủ ra Quyết định số 852/TTg về việc thành lập một số tổ chức ở địa phương. Thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại Ủy Ban Kế hoạch và làm công tác hợp tác đầu tư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng trực thuộc UBND tỉnh Cao Bằng.

Trải qua chặng đường gần 70 năm hình thành và phát triển, dù trong thời kỳ nào, lúc đất nước có chiến tranh cũng như thời kỳ hòa bình; Ngành Kế hoạch và Đầu tư với vai trò tham mưu tổng hợp về kinh tế và xã hội cho Đảng và Nhà nước, đã đóng góp tích cực trong sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta.

Cuối năm 1957 Ủy Ban Kế hoạch tỉnh trực thuộc chính quyền và trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Ủy ban hành chính và UBND tỉnh kiêm Trưởng ban và Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Thời kỳ này, công tác Kế hoạch vẫn mang tính pháp lệnh, mục tiêu kinh tế Kế hoạch là khôi phục và phát triển dần lực lượng sản xuất; các mặt cân đối của nền kinh tế chưa toàn diện, nhưng bước đầu cũng đã thu được những thắng lợi cơ bản. Thời kỳ 1962 - 1975, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phù hợp với điều kiện của tỉnh , bước đầu hình thành cơ sở vật chất cho nền kinh tế với nền tảng quan hệ sản xuất mới, trong đó sở hữu quốc doanh và tập thể chiếm vị trí tuyệt đối. Thời kỳ 1976 - 1980, cả nước thực hiện KH 5 năm lần thứ 2; ở tỉnh  trong khi đang thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế thì đầu năm 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, các cơ sở kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, thành quả của hơn 20 năm xây dựng hầu hết bị tàn phá, ta phải xây dựng lại từ đầu. Thời kỳ 1981 - 1985, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 3 trong hoàn cảnh đất nước nói chung, các tỉnh biên giới nói riêng, đặc biệt là tỉnh Cao Bằng ở trong trạng thái vừa có hòa bình, vừa phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh, vì vậy kế hoạch phải đảm bảo cân đối tích cực cho 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ở tỉnh Cao Bằng thời kỳ này tập trung chủ yếu cho nhiệm vụ khôi phục kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân. Bước đầu đã tạo dựng lại được những cơ sở bức thiết nhất của nền kinh tế, song khó khăn thách thức còn lớn, lạm phát và khủng hoảng do chế độ bao cấp về giá – lương - tiền diễn ra trên phạm vi cả nước. Thời kỳ 1986 - 1990, chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối của NQ Đại hội 6 của TW Đảng và NQ Đại hội lần thứ 12 của Đảng bộ tỉnh Cao bằng. Kế hoạch đã gắn phát triển kinh tế với xã hội và quốc phòng, an ninh. Thời kỳ 1991 - 1995, Đây là giai đoạn cả nước nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng chính thức vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước đã được khẳng định trong báo cáo chính trị tại Đại hội VI của TW Đảng và Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng là: ổn định tình hình KT - XH và chính trị, thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát, tạo tiền đề đẩy nhanh sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Trong kế hoạch 5 năm này, Cao Bằng đã xây dựng qui hoạch tổng thể phát triển KT - XH giai đoạn 1995 - 2010, xây dựng kế hoạch 5 năm 1996 - 2000. Các Chương trình, dự án lớn của Chính phủ được triển khai trên địa bàn tỉnh như  chương trình dự án 327, đinh canh định cư, chương trình 06, các chương trình hành động của các ngành thực hiện theo tinh thần NQ Trung ương IV, Trung ương VII. Nền kinh tế của tỉnh phát triển khá đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh dần được cải thiện.

Phát huy những thành quả đạt được của kế hoạch 5 năm 1991 - 1995, những bài học kinh nghiệm rút ra, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 và đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá. Thời kỳ 2001 - 2005, NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2001 - 2005 là tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với tinh thần huy động hiệu quả nhất mọi nguồn lực sẵn có, phấn đấu xây dựng Tỉnh Cao Bằng phát triển đạt nhiều thành tựu mới làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2001 - 2005, Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 trên cơ sở mục tiêu Nghị quyết XVI của Đảng bộ tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2015, tầm nhìn đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tham mưu triển khai hoàn thiện các qui hoạch phát triển kinh tế xã hội của các huyện, thị, qui hoạch ngành, lĩnh vực sản phẩm; xây dựng kế hoạch hàng năm nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết XVI Đảng bộ tỉnh và quy họach tổng thể tỉnh; đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn, quản lý điều hành kế hoạch đầu tư, quản lý đầu tư…tham gia dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa, gần đây là khóa XVI, XVII.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho tỉnh đề ra nhiều giải pháp tích cực cho tỉnh để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; tham mưu triển khai thực hiên 6 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; tham mưu rà soát điều chỉnh qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Với những kết quả đạt được trong các năm qua, Cao Bằng đã cơ bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh bạn và sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp; trong đó có sự tham mưu đắc lực của ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.